Tìm kiếm


Liên kết website


Lượt truy cập

  •  Tổng lượng truy cập:     303805

Sức khỏe tâm thần

  • PEER PRESSURE - ÁP LỰC ĐỒNG TRANG LỨA ÁP LỰC HAY ĐỘNG LỰC?
  • PEER PRESSURE - ÁP LỰC ĐỒNG TRANG LỨAÁP LỰC HAY ĐỘNG LỰC?

      

    Những năm gần đây, áp lực đồng trang lứa (Peer pressure) đang trở thành hiện tượng tâm lý nổi cộm ở nhiều bạn trẻ. Không ít lần chúng ta dễ dàng bắt gặp khái niệm này trên các diễn đàn mạng xã hội. Vậy áp lực đồng trang lứa là gì, và nó có thực sự đáng sợ?ca

    ÁP LỰC ĐỒNG TRANG LỨA LÀ GÌ?

     

    Theo như Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ - APA đã định nghĩa, áp lực đồng trang lứa là khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội và phải thay đổi thái độ, giá trị và hành vi để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm. Hay nói một cách đơn giản, áp lực đồng trang lứa chính là cảm giác tự ti khi bản thân không có hoặc chưa đạt được những điều giống với bạn bè xung quanh.

    Những bạn trẻ thường là đối lượng được nhắc nhiều nhất khi đề cập đến áp lực đồng trang lứa bởi sự thiếu hụt kinh nghiệm sống cũng như những biến đổi về tâm sinh lý trong giai đoạn phát triển khiến các bạn ấy dễ bị tác động hơn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là người lớn sẽ miễn nhiễm với loại áp lực này.

    Áp lực đồng trang lứa có thể gặp ở hầu hết mọi độ tuổi, ngay từ khi chúng ta bắt đầu đi học, chúng ta có nhiều bạn bè hơn, áp lực có thể xảy ra bởi sự so sánh, cạnh tranh thành tích ở trường học, hoặc ngay cả khi trưởng thành hơn, có một công việc ổn định thì mức lương hằng tháng và chất lượng cuộc sống lại trở thành một trong những tiêu chí so kè sự thành công.

    DẤU HIỆU NÀO CHO THẤY CHÚNG TA CÓ THỂ ĐANG GẶP ÁP LỰC ĐỒNG TRANG LỨA?

    Tùy từng độ tuổi, tính cách, cách suy nghĩ và nhận thức mà các biểu hiện của áp lực đồng trang lứa được thể hiện theo các khác nhau, tuy nhiên đa phần nó thường mang tính tiêu cực, đặc biệt mỗi khi nhìn thấy những người bạn cùng tuổi nhưng có xếp hạng hay đời sống tốt hơn mình, dù chỉ là một chút hoặc theo cách đánh giá của họ.

    Cụ thể, một số biểu hiện điển hình ở những người gặp áp lực đồng trang lứa như:

    • Luôn cảm thấy căng thẳng, stress về việc phải cố gắng hơn
    • Luôn cho rằng mình thua kém bạn bè, cảm thấy dù đã cố bao nhiêu nhưng cũng không bằng bạn bè
    • Vì cố gắng quá nhiều nên luôn trong trạng thái mệt mỏi, kiệt sức, tinh thần uể oải
    • Bồn chồn, lo lắng thường xuyên không rõ nguyên nhân
    • Luôn cảm giác bị mọi người coi thường, thiếu tự tin vào bản thân
    • Rối loạn giấc ngủ vì suy nghĩ quá nhiều
    • Tinh thần dễ tiêu cực hơn, có thể dễ trở nên cáu gắt nếu những người xung quanh nói về các vấn đề năng lực, công việc, tương lai
    • Luôn muốn thể hiện bản thân để chứng tỏ rằng mình không hề thua kém những người xung quanh
    • Ít gặp gỡ những người xung quanh hơn do sợ bị nhắc về các vấn đề học tập, công việc…
    • Luôn luôn có tâm lý so sánh mình với bạn bè xung quanh, đặc biệt chỉ so sánh với những người có đời sống, công việc tốt hơn, không quan tâm đến những người bằng hay kém năng lực hơn bản thân

    VÌ SAO CHÚNG TA LẠI BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI ÁP LỰC ĐỒNG TRANG LỨA?

     

    Áp lực đồng trang lứa có thể đến từ bên trong (do tính cách, suy nghĩ, nhận thức,…) lẫn bên ngoài (hoàn cảnh gia đình,…).

    Tư tưởng và nhận thức chưa phù hợp

    Một người vốn đã có tính cách tiêu cực, thích so sánh, luôn chỉ nhìn nhận vào một vấn đề thường có xu hướng dễ bị áp lực đồng trang lứa hơn bình thường. Đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, các bạn thường dễ bị tác động bởi bạn bè, bởi đây là đang giai đoạn các bạn phát triển và tách rời khỏi ảnh hưởng của cha mẹ. Tuy nhiên, các bạn lại chưa thiết lập giá trị bản thân, ít hiểu biết về mối quan hệ giữa người với người, cùng với đó là những thay đổi phát triển trong não, đặc biệt là ở thùy trán trước – nói chịu trách nhiệm cho việc cân bằng cảm xúc, đưa ra quyết định và kiểm soát xung lực đang trong thời kì tái cấu trúc nên các bạn có khả năng đưa ra những quyết định bồng bột, tham gia vào hành vi nguy hiểm hơn.

    Chính những suy nghĩ non nớt cùng với kiến thức xã hội còn yếu, các bạn dễ bị tác động bởi xung quanh, luôn muốn bản thân mình trở nên nổi bật, trở nên “ngầu hơn” nên dễ hình thành những tư tưởng phải vượt trội hơn người khác.

    Chẳng hạn việc một bạn học sinh nghe theo bạn bè hút thuốc đôi khi khi không phải bản thân muôn vậy mà vì bạn bè muốn như thế, bạn không muốn mình trở nên đơn độc, quê mùa trong mắt bạn bè nên có phần “hùa” theo những trò vui không đúng đắn này.

    Mong muốn được hòa nhập

    Sống trong một môi trường tập thể, không ai mà không mong muốn bản thân được mọi người công nhận, được chú ý đến, được hòa nhập trong mọi hoạt động hoặc đơn giản là được bạn bè yêu quý, chấp nhận. Để hòa nhập vào một nhóm xã hội, bản thân mỗi người có thể sẽ cảm thấy rằng mình cần phải tuân theo những hành vi, hoặc thái độ nhất định, cho dù họ có không thích đi chăng nữa. Chúng ta hẳn đã ít nhất một lần làm điều gì đó bởi sức ép từ bạn bè như trốn học, ăn mặc theo xu hướng, và thậm chí là cô lập một ai đó trong lớp chỉ vì không muốn bản thân mình trở thành nạn nhân.

    Ảnh hưởng từ lối sống tập thể

    Một vài nghiên cứu cũng đã cho thấy ở những người phương Đông thường được nuôi dạy trong nền văn hóa tập thể (collectivism) với tư tưởng luôn hướng đến những người xung quanh, đề cao thứ hạng, năng lực sẽ có xu hướng ‘so sánh xã hội’ (social comparison) hơn người phương Tây thường được chăm sóc theo chủ nghĩa cá nhân (individualism) chỉ quan tâm đến các giá trị cá nhân.

    Việc phân cấp thứ bậc, thi đua điểm số, bị so sánh với ‘con nhà người ta’ phản ánh khá rõ nét khuynh hướng so sánh trong văn hóa tập thể. Một câu nói rất quen thuộc của các bậc cha mẹ Việt Nam chính là “nhìn con nhà người ta mà xem”, điều này phần nào có thể cho thấy những định kiến về vị thứ, thành công, năng lực là rất quan trọng.

    Việc phân cấp thứ bậc, thi đua điểm số, bị so sánh với ‘con nhà người ta’ phản ánh khá rõ nét khuynh hướng so sánh trong văn hóa tập thể. Điều này giải thích vì sao ta áp lực khi so sánh bản thân với bạn bè, đồng nghiệp hoặc người quen trên mạng xã hội.

    Ảnh hưởng từ mạng xã hội

    Công nghệ đang ngày càng phát triển hơn, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet và một tài khoản mạng xã hội, bạn có thể kết nối với toàn thế giới. Mạng xã hội thực sự là một con dao hai lưỡi, nó có thể đem đến cho bạn vô vàn thông tin hữu ích thú vị, đem đến cho bạn nhiều vui tiếng cười, giúp mọi người kết giao bạn bè nhưng đồng thời Mạng xã hội cũng góp phần không nhỏ trong việc khuếch đại áp lực đồng trang lứa

    Đặc biệt hiện nay, thói quen chia sẻ cuộc sống lên mạng xã hội hay những bài báo, bài chia sẻ về sự thành công chính là những yếu tố gây áp lực đồng trang lứa của rất nhiều người.

    Những áp lực đồng trang lứa trong thời đại này không chỉ gói gọn trong những mối quan hệ quen biết mà còn được rộng mở ra rất nhiều, trên toàn xã hội. Chỉ cần mở Facebook lên là bạn lại cảm thấy áp lực vì nay thấy bạn A khoe xe, mai thấy bạn B khoe mua nhà, ngày kia thấy bạn C đăng hình đi du lịch. Càng nhìn lại bản thân bạn lại càng thấy bản thân kém cỏi và chán thường hơn.

    Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người có số lượt kiểm tra mạng xã hội thường xuyên hơn trong tuần, có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn 2.7 lần. Việc nhìn thấy người khác có cuộc sống sung túc, thú vị, thành công hơn khiến cá nhân cảm thấy đố kỵ và thôi thúc họ phải bắt kịp mọi người.

    LIỆU CÓ PHẢI ẢNH HƯỞNG ĐỒNG TRANG LỨA LÚC NÀO CŨNG XẤU?

     

    “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”- Áp lực đồng trang lứa sẽ không xấu nếu chúng ta học cách khai thác những mặt tốt từ nó. Trong một số trường hợp áp lực đồng trang lứa có thể là động lực giúp mỗi người nỗ lực nhiều hơn trong việc khẳng định và hoàn thiện bản thân. Bởi khi ở trong một nhóm bạn ưu tú thì mỗi người sẽ rất dễ gặp phải áp lực trước thế mạnh hay thành công của bạn bè. Điều này thúc đẩy bản thân phải cố gắng hơn để đạt được thành tựu và mục tiêu đề ra, và kể cả khi chúng ta có vô tình vấp ngã thì chính những áp lực xung quanh sẽ giúp chúng ta nhanh chóng đứng dậy và bước tiếp thay vì than vãn.

    LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẢM THIỂU ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA ÁP LỰC ĐỒNG TRANG LỨA?

     

    Thay đổi cách suy nghĩ, biến áp lực thành động lực, tin tưởng vào chính bản thân mình chính là cách để vượt qua áp lực đồng trang lứa. Thực tế ai cũng từng sẽ có những giai đoạn bị áp lực bởi bạn bè, việc gặp áp lực là chuyện hết sức bình thường và đây cũng giống như bài tập nhỏ nhằm rèn luyện, giúp chúng ta có đủ sức để đối diện với những cuộc khủng hoảng khác có thể gặp sau này. Việc nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh sẽ giúp chúng ta nhận thấy nhiều giá trị khác hơn trong cuộc sống mà biết đâu những người khác đôi khi cùng cảm thấy ghen tị với chúng ta thì sao?

    Xác định được mong muốn của bản thân.

    Mỗi người đều có những mặt khác sau trong cuộc sống, và những gì chúng ta thấy về một người không hẳn là toàn bộ cuộc sống của họ. Nhiều người hay thích chia sẻ sự thành công, được thăng chức, được đi du lịch khắp nơi nhưng ẩn sâu bên trong là một trái tim cô đơn và trống rỗng. Sự thành công và được mọi người ngưỡng mộ cũng không đủ để lấp đầy những vụn vỡ trong sâu thẳm tâm hồn họ.

    Do đó, đừng áp lực khi thấy thành công của người khác, mà trước hết cần phải tìm hiểu và xác định được cuộc sống hiện tại mình đang có những gì, và định nghĩa của mình về thành công là gì? Việc xác định và đặt những mục tiêu cho bản thân sẽ giúp cuộc sống của chúng ta trở nên có kế hoạch hơn, giúp ta yên tâm để phấn đấu, để tiến về phía trước một cách vững chãi, không vội vàng nên tỉ lệ thành công cũng cao hơn.

    Hành động, không trì hoãn

    Trì hoãn là một trong những yếu tố khiến tương lai chúng ta có thể sẽ gặp áp lực đồng trang lứa. Vì thể việc sắp xếp thời gian, lên kế hoạch thực hiện các công việc một cách có kỷ luật là cách giúp chúng ta tránh rơi vào trạng thái căng thẳng và hoàn thành tốt công việc.

    Biết rằng bản thân mình là duy nhất

    Có một điều quan trọng mà chúng ta cần phải hiểu rằng chúng ta là phiên bản duy nhất không lặp lại trên cuộc đời này, mỗi người sẽ có những năng lực khác nhau, và bởi vì chúng ta có sở trường ở việc này nên chúng ta không giỏi việc thuộc sở trường khác là việc hết sức bình thường.

    Ý thức được điểm mạnh và điểm yếu của mình cũng là một khía cạnh để giúp chúng ta không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi áp lực đồng trang lứa. Bên cạnh đó, việc tập trung vào chính mình và phát huy những năng lực sở trường của bản thân sẽ giúp chúng ta kiểm soát được hành vi, cảm xúc và ít bị phụ thuộc vào đánh giá của người khác.

    Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực

    Để tránh việc mắc phải sự tích cực độc hại, việc thẳng thắn thừa nhận những cảm xúc tiêu cực của bản thân cũng là một điều cần thiết. Những cảm giác cảm giác không dễ chịu, thậm chí là những cảm giác buồn bã, đau đớn, thất vọng luôn có ý nghĩa riêng, nó sẽ giúp mỗi chúng ta ít nhất là hiểu rõ hơn bản thân mình, bởi cảm xúc chính là sự truyền đạt của tâm trí.

     

    Chia sẻ vấn đề

    Mặt khác gia đình, bạn bè cũng luôn là một nguồn động lực to lớn giúp chúng ta có sức mạnh tiến đến thành công. Những mệt mỏi tiêu cực sẽ vơi dần khi được nói ra. Việc nói chuyện với một người bạn thấu hiểu sẽ giúp chúng ta cảm thấy thư giãn, tin vào chính mình và hạn chế nguy cơ gặp các vấn đề như trầm cảm hay rối loạn lo âu.

    Nếu phụ huynh hay gia đình chính là một trong những yếu tố khiến chúng ta bị áp lực đồng trang lứa thì cũng đừng ngần ngại mà hãy dành thời gian để nói chuyện thẳng thắn với người thân. Mọi người sẽ không thể biết chúng ta muốn điều gì nếu ta không chia sẻ.

    Tâm lý trị liệu

    Áp lực đồng trang lứa là hội chứng phổ biến mọi lứa tuổi đặc biệt là thanh thiếu niên, tạo nên những hậu quả tiêu cực, ảnh hưởng lớn về tinh thần. Nếu áp lực kéo dài và không được giải quyết sẽ làm tâm lý mọi người rơi vào trạng thái căng thẳng, thậm chí là rối loạn lo âu và trầm cảm. Nếu bạn không thể giúp mình tự vượt qua áp lực đồng trang lứa, bạn có thể tìm đến sự đồng hành, hỗ trợ chuyên nghiệp hơn từ những nhà chuyên môn.

     

    Tài liệu tham khảo

    1.      Poonam Dhull, & Rajesh Beniwal. (2017). Dealing with Peer Pressure. Online International Interdisciplinary Research Journal, 7.

    https://www.researchgate.net/publication/332318821_Dealing_with_Peer_Pressure

    2.      Hartney E,. (2022). What Is Peer Pressure? Types, Examples, and How to Deal With Peer Pressure. https://www.verywellmind.com/what-is-peer-pressure-22246

    3.       Saxena S,. (2023). Peer Pressure: Types, Examples, & How to RespondI. https://www.choosingtherapy.com/peer-pressure/

    Crystal R,. (2021). When Peer Pressure Is a Positive Thing. https://www.healthline.com/health/positive-peer-pressure
  • bvttdt
  • Các tin khác
Lên đầu trang